Chi bộ 3 – Đảng bộ Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh – về nguồn 2024

Hướng tới lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024); đoàn các đảng viên Chi bộ 3 – Đảng bộ Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh cùng Đảng ủy Viện đã tổ chức chuyến đi “Về nguồn” từ ngày 12 – 14/4/2024 tại Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Đoàn đã đến thăm các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược, trong đó có: đồi A1, khu tượng đài, bảo tàng chiến thắng, hầm chỉ huy của tướng De Castries,…

Sau khi đến sân bay Điện Biên, Đoàn đã đến viếng thăm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, đây là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đa số các ngôi mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin. Trong khói hương trầm mặc, tất cả đều lặng người tưởng niệm về các chiến sỹ, trong đó có những Anh hùng đã đi vào lịch sử như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can,…

Điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình là khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình giữa khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn, thuộc địa phận xã Mường Phăng. Từ 31/01/1954 đến 15/5/1954, đây là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ Sở Chỉ huy này, đi lên điểm cao nhất, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, C1, A1… Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km². Nơi đây được người dân địa phương trìu mến gọi là “rừng Đại tướng”.

Tại căn cứ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 07/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, đoàn đã chụp hình lưu niệm với các công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu như: lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc tại hầm của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… trạm gác, lán của các điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến, bếp Hoàng Cầm… Đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.

Nếu không được giới thiệu trước, ít ai có thể hình dung chiếc lán đơn sơ này chính là nơi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc trong Sở Chỉ huy.

Ngày tiếp theo, đoàn tiếp tục hành trình đến thăm đồi A1 – nơi được xem là quả đồi Chiến Công. Bước chân đến đồi A1, bất cứ ai cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi không khí thanh bình của các trận địa, nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt một thời. Tại đồi A1, quân Pháp đã bố trí công sự kiên cố, vững chắc với vũ khí tối tân, hiện đại. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 39 ngày đêm bền bỉ đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng gần 1000 cân, ngày 06/5/1954, sau khi điểm hỏa, quân ta đã hạ được cứ điểm này. Đây là chiến thắng mở màn cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với đồi A1, các đồi C1, C2, D1, D3. E1 cũng chứng kiến nhiều trận đánh quyết liệt của quân đội ta.

Bên cạnh đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng là địa điểm mà đoàn không thể không ghé qua. Bức tranh Panorama hơn 3.000 m² về Chiến dịch Điện Biên Phủ – điểm nhấn nổi bật nhất tại bảo tàng. Bức tranh tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ. Tranh do hơn 200 họa sĩ thực hiện, gồm 4 trường đoạn, trong đó trường đoạn 1: “Toàn dân ra trận”, thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam; trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn là trận đánh tại trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13-3-1954; trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử” tái hiện sự khốc liệt đợt của tấn công thứ hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là trận đánh tại cứ điểm A1; trường đoạn 4 “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”, tái hiện khoảnh khắc lịch sử lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Trường đoạn 1: “Toàn dân ra trận”

Trường đoạn 2 “Khúc dạo đầu hùng tráng”

Trường đoạn 3 “Cuộc đối đầu lịch sử”

Trường đoạn 4 “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”

Chúng tôi – đoàn đại biểu từ thành phố mang tên Bác từng biết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua sách báo, nhưng khi nghe hướng dẫn viên kể lại câu chuyện về tấm gương anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo, hay về hoàn cảnh ra đời của lá thư Bác Hồ gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng có 02 người con trai là liệt sĩ, những giọt nước mắt đã lặng lẽ tuôn rơi.

Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, đoàn đến thăm hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm lòng chảo Mường Thanh, được xem là cơ quan đầu não, là trái tim, là linh hồn của toàn bộ tập đoàn quân sự khổng lồ mà các tướng tá Pháp, Mỹ đã rất tự hào, xem đây là một pháo đài mạnh nhất chưa từng có ở Đông Dương.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường 55 ngày đêm mới có thể hạ được hầm này. Vào lúc 17h30 ngày 07/5/1954, Tạ Quốc Luật, Chỉ huy trưởng đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã bắt sống tướng De Castries tại bàn làm việc. Và cờ quyết chiến, quyết thắng đã được cắm trên nóc hầm De Castries, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam.

Đến thăm mỗi địa danh nơi đây, chúng tôi càng cảm nhận rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, tinh thần đã góp phần làm nên chiến thắng vang dội – chấn động địa cầu. Tinh thần ấy đã trở thành bất tử. Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *