NƯỚC RỬA TAY BẠN DÙNG CÓ AN TOÀN?

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cơ quan y tế khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Nếu không có sẵn xà phòng và nước, người dân có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn ethanol với nồng độ từ 60-70%. Các sản phẩm chứa cồn khác như methanol không cho thấy có khả năng tiêu diệt được vi trùng, nhưng lại gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc với lượng đủ lớn [1].

Methanol và 1-Propanol có thể gây độc hại

Theo FDA, có nhiều loại cồn, nhưng chỉ cồn ethanol và 2-propanol là những loại cồn được chấp nhận trong nước rửa tay. Các loại cồn khác, bao gồm methanol và 1-propanol, không được chấp nhận trong nước rửa tay vì chúng có thể gây độc hại cho người sử dụng [2].

Methanol

Methanol hay cồn methylic, còn được gọi là cồn gỗ, hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, dùng làm dung môi hòa tan các chất hữu cơ, vô cơ hoặc chiết xuất các loại dầu,… Trên thị trường, methanol có trong các dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh,… và được sử dụng như một nguồn năng lượng thay thế trong động cơ. Chất này hoàn toàn không được sử dụng làm rượu thực phẩm như ethanol. Nuốt hoặc uống nước rửa tay nhiễm methanol có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bản thân của methanol ít độc nhưng các chất chuyển hóa của nó lại có độc tính cao. Methanol hấp thu dễ dàng qua da, phổi và ruột, chuyển hóa chậm qua gan. Chúng có thể gây nhiễm toan chuyển hóa, mù mắt hay thậm chí là tử vong. Methanol ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng như say rượu, ngủ gà gật, co giật, hôn mê,… Diễn tiến lâm sàng của ngộ độc cồn methanol công nghiệp xảy ra nhiều giờ sau khi uống.

1-Propanol

1-Propanol hoặc cồn 1-propyl được sử dụng để làm dung môi công nghiệp (một loại chất tẩy rửa) và cũng có thể gây độc cho con người khi nuốt phải. Nuốt hoặc uống nước rửa tay có chứa 1-propanol có thể làm giảm nhịp thở và nhịp tim, nghiêm trọng hơn nữa là có thể dẫn đến tử vong. Nước rửa tay có nhiễm 1-propanol có thể gây kích ứng da hoặc mắt (nếu tiếp xúc).

Quản lý và kiểm soát chặt chẽ, thu hồi nhiều sản phẩm

Theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm dung dịch/gel vệ sinh tay sát khuẩn có chứa cồn và các chế phẩm cồn sát khuẩn tăng cao của người dân, có rất nhiều loại chế phẩm khác nhau hiện đang được bày bán tại các siêu thị, nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các trang thương mại điện tử. Để đảm bảo người dân mua và sử dụng các dạng sản phẩm này an toàn và hiệu quả, Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy mẫu 50 chế phẩm trên thị trường để phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm và đã có kết quả của 41 mẫu.

Trong kết quả phân tích thu được cho thấy có 10 sản phẩm không đạt chất lượng: 02 mẫu chứa hàm lượng ethanol không đảm bảo khả năng diệt khuẩn; 08 mẫu có giới hạn methanol quá cao có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Một số sản phẩm có hàm lượng cồn methanol đến 90,7 % và hoàn toàn không chứa cồn ethanol, điều này hết sức gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Ngay sau khi có kết quả phân tích, Viện đã gửi báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý. Theo đó, trong năm 2021 Cục Quản lý Dược (Bộ Y Tế) đã ra quyết định thu hồi sản phẩm “Dung dịch rửa tay Green Cross hương tự nhiên – 100ml” (Số lô:3F2921320; hạn dùng: 090624; Số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm: 187/19/CBMP-BD) do Công ty TNHH Green Cross Việt Nam sản xuất [3]; Các chế phẩm khác hiện vẫn đang trong quá trình xác minh về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định thật-giả, đánh giá mức độ sai phạm khác trước khi công bố các sản phẩm này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] “Mối nguy từ cồn sát khuẩn tay chứa methanol” https://suckhoedoisong.vn/moi-nguy-tu-con-sat-khuan-tay-chua-methanol-169177557.htm [Truy cập: Thứ Hai, 06/12/2021 09:16 (GTM+7)].

[2]  “Nước rửa tay của bạn có nằm trong Danh sách các sản phẩm bạn không nên sử dụng của FDA không?” https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/nuoc-rua-tay-cua-ban-co-nam-trong-danh-sach-cac-san-pham-ban-khong-nen-su-dung-cua-fda-khong [Truy cập: Thứ Hai, 06/12/2021 09:30 (GTM+7)].

[3] Công văn số 13305/QLD-MP ngày 01/11/2021 của Cục Quản lý Dược về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (Công ty TNHH Green Cross Việt Nam).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *