Vi sinh vật gây bệnh có mặt khắp nơi, cả trong môi trường sống xung quanh và trên cơ thể chúng ta. Người dễ bị tổn thương, có bệnh nền khi tiếp xúc với sinh vật có hại có thể nhiễm bệnh và tử vong.
Cơ thể có nhiều cách để tự vệ chống lại các mầm bệnh. Da, chất nhầy, lông mao (những sợi lông cực nhỏ di chuyển các mảnh vụn ra khỏi phổi) hoạt động như một rào chắn vật lý để phòng tránh các mầm bệnh khi lần đầu tiên chúng xâm nhập vào cơ thể.
Khi một mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể, hệ thống tự vệ của cơ thể hay còn gọi là hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, mầm bệnh bị tấn công và tiêu diệt
Phản ứng tự nhiên của cơ thể
Tác nhân gây bệnh hay còn gọi là mầm bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm. Mỗi mầm bệnh được tạo thành từ những phần con của nó và thường chỉ gây ra một bệnh đặc trưng. Các phần con của mầm bệnh giúp cơ thể tạo ra kháng thể được gọi là kháng nguyên. Các kháng thể là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Chúng ta có thể coi kháng thể là những người lính trong hệ thống phòng thủ của cơ thể, chúng được huấn luyện để nhận ra một kháng nguyên cụ thể. Cơ thể chúng ta có hàng ngàn loại kháng thể khác nhau. Khi cơ thể lần đầu phơi nhiễm với một kháng nguyên, hệ thống miễn dịch cần có thời gian để phản ứng và tạo ra kháng thể đặc hiệu đối với kháng nguyên đó, đồng thời người đó dễ bị ốm.
Khi các kháng thể được hình thành, chúng kết hợp với phần còn lại của hệ thống miễn dịch để tiêu diệt mầm bệnh và ngăn chặn bệnh. Các kháng thể thường chỉ tác dụng với một mầm bệnh ngoại trừ khi hai tác nhân gây bệnh rất giống nhau, như anh em họ. Khi cơ thể phản ứng lần đầu với kháng nguyên, nó cũng tạo ra 1 tế bào nhớ kháng thể, tế bào này vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi mầm bệnh bị loại trừ. Khi cơ thể phơi nhiễm với cùng 1 mầm bệnh nhiều hơn 1 lần, phản ứng của kháng thể sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với lần đầu phơi nhiễm vì các tế bào nhớ đã sẵn sàng xuất ra các kháng thể chống lại kháng nguyên đó.
Điều này có nghĩa là nếu cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh nguy hiểm trong tương lai, hệ thống miễn dịch sẽ có thể đáp ứng ngay lập tức, bảo vệ chống lại bệnh tật.
Hình ảnh khi một mầm bệnh hoặc bệnh tật mới xâm nhập vào cơ thể chúng ta sẽ trở thành kháng nguyên mới. Đối với mỗi kháng nguyên mới, cơ thể của chúng ta cần tạo ra một kháng thể đặc hiệu để có thể gắn với kháng nguyên và tiêu diệt mầm bệnh.
Vắc-xin giúp ích như thế nào ?
Vắc-xin chứa các thành phần bị suy yếu hoặc không hoạt động của một sinh vật cụ thể (kháng nguyên) để gây ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Phiên bản suy yếu này sẽ không gây bệnh cho người được tiêm vắc xin, nhưng nó sẽ thúc đẩy hệ thống miễn dịch của họ đáp ứng nhanh như phản ứng lần đầu tiên với mầm bệnh thực sự.
Hình minh họa VACCINE là một mảnh nhỏ không nguy hiểm của sinh vật bị suy yếu và bao gồm các phần của kháng nguyên. Cơ thể chúng ta có thể nhận biết và sẽ tạo kháng thể đặc hiệu. Sau đó, nếu cơ thể gặp phải kháng nguyên thực sẽ tự động tạo cơ chế tiêu diệt.
Một số loại vắc xin yêu cầu tiêm nhiều liều, cách nhau vài tuần hoặc vài tháng. Điều này đôi khi cần thiết để cho phép sản xuất các kháng thể tồn tại lâu dài và tạo các tế bào nhớ. Bằng cách này, cơ thể được huấn luyện để chống lại sinh vật gây bệnh cụ thể và nhanh chóng chống lại nó khi tiếp xúc với mầm bệnh trong tương lai.
Miễn dịch cộng đồng
Khi một người được tiêm phòng, về cơ bản người đó được bảo vệ chống lại căn bệnh đã được tiêm. Nhưng không phải ai cũng có thể được tiêm phòng. Những người có bệnh nền, hệ thống miễn dịch yếu (như ung thư hoặc HIV), hoặc bị dị ứng nghiêm trọng với một số thành phần trong vắc xin có thể không được tiêm một số loại vắc xin. Những người này vẫn có thể được bảo vệ nếu họ sống giữa những người đã được tiêm chủng. Khi nhiều người trong một cộng đồng được tiêm phòng, mầm bệnh sẽ khó tồn tại vì hầu hết những người mà nó tiếp xúc đã có miễn dịch. Vì vậy, người được tiêm chủng càng nhiều thì những người không được vắc xin bảo vệ càng ít có nguy cơ bị phơi nhiễm với các mầm bệnh có hại. Đây được gọi là miễn dịch cộng đồng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người không những không thể tiêm phòng mà còn có thể dễ bị mắc các bệnh mà chúng ta được tiêm chủng.
Không có loại vắc xin nào cung cấp khả năng bảo vệ 100% và khả năng miễn dịch cộng đồng không thể bảo vệ đầy đủ cho những người không được tiêm phòng. Nhưng với khả năng miễn dịch cộng đồng, những người này sẽ được bảo vệ đáng kể nhờ những người xung quanh đã được tiêm phòng.
Tiêm phòng không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ những người trong cộng đồng không có khả năng tiêm chủng. Do vậy, cá nhân hãy chủ động tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Trong suốt chiều dài lịch sử, con người đã chế tạo thành công vắc-xin cho một số bệnh đe dọa tính mạng như viêm màng não, uốn ván, sởi và virus bại liệt. Vào những năm đầu thế kỷ 20, bại liệt là một căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới, khiến hàng trăm nghìn người bị bại liệt mỗi năm. Đến năm 1950, hai loại vắc xin hiệu quả chống lại căn bệnh này đã được tạo ra. Tuy nhiên, việc tiêm phòng ở một số nơi trên thế giới vẫn chưa đủ phổ biến để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này, đặc biệt ở châu Phi. Vào những năm 1980, một nỗ lực thống nhất trên toàn thế giới nhằm xóa bỏ bệnh bại liệt khỏi hành tinh đã bắt đầu. Trong vài thập kỷ, việc tiêm phòng bại liệt qua các đợt tiêm chủng định kỳ và các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã diễn ra ở tất cả các châu lục. Hàng triệu người, chủ yếu là trẻ em, đã được tiêm chủng và vào tháng 8 năm 2020, lục địa châu Phi đã được chứng nhận không còn vi rút bại liệt hoang dã.
Nguồn: WHO’ s Vaccines Explained series