SỰ SẴN SÀNG CỦA QUỐC GIA ĐỐI VỚI VẮC-XIN COVID-19

Bài viết này là một phần trong loạt bài Giải thích về vắc-xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phát triển và phân phối vắc-xin. Qua đó, ta hiểu thêm về cách vắc-xin hoạt động, cách chúng được tạo ra để đảm bảo an toàn và tiếp cận công bằng.

Các quốc gia đang bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19, mang lại hy vọng mới cho cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu. WHO, UNICEF, Gavi và nhiều đối tác khác đang làm việc cùng nhau để hỗ trợ các quốc gia chuẩn bị cho việc phổ biến về vắc-xin COVID-19. Họ đã cung cấp bộ công cụ phổ biến về vắc-xin COVID-19 hướng dẫn quốc gia cần các nguồn lực để sẵn sàng tiếp nhận vắc-xin COVID-19. Trong bộ công cụ này, có chương trình đào tạo trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các đầu mối quốc gia / địa phương và nhân viên y tế.

Quy trình để các quốc gia nhận vắc-xin COVID-19 từ Cơ chế Chương trình tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 (Cơ chế COVAX – COVAX Facility) là gì?

Tổng cộng 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ có thể tiếp cận vắc-xin COVID-19 thông qua Cam kết Hỗ trợ Thị trường (AMC) của Cơ chế COVAX.

COVAX AMC là công cụ hỗ trợ 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tham gia vào Cơ chế COVAX – cho phép tiếp cận với vắc-xin COVID-19 được tài trợ an toàn và hiệu quả. AMC kết hợp chương trình hỗ trợ cho sự sẵn sàng và triển khai quốc gia sẽ đảm bảo có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất ở tất cả các quốc gia trong thời gian ngắn hạn, bất kể mức thu nhập.

Các quốc gia AMC-92 này phải xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Triển khai và Tiêm chủng vắc-xin COVID-19 (NDVP) được WHO, UNICEF và các đối tác khác xem xét để giúp quốc gia chắc chắn rằng kế hoạch này đạt kết quả tốt nhất có thể. NDVP có thể được gửi thông qua nền tảng web Partners Platform (https://covid19partnersplatform.who.int/en/).

Sau khi NDVP được xem xét để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí chính về sự sẵn sàng, vắc-xin có thể được phân bổ thông qua Cơ chế COVAX . Các quốc gia không ký kết AMC cũng được hoan nghênh gửi NDVP của họ để xem xét và nhận phản hồi để củng cố kế hoạch của họ.

Mục tiêu xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Triển khai và Tiêm chủng vắc-xin

Kế hoạch Quốc gia về Triển khai và Tiêm chủng vắc-xin (NDVP) là gì?

Kế hoạch Quốc gia về Triển khai và Tiêm chủng vắc-xin là một kế hoạch hành động để thực hiện và giám sát việc triển khai tiêm chủng vắc-xin COVID-19 ở một quốc gia. NDVP đóng vai trò là “kế hoạch của một quốc gia” và khuôn khổ chính cho các nỗ lực phổ biến và tiêm chủng vắc-xin của một quốc gia.

NDVP nêu ra các khía cạnh chính của sự sẵn sàng, bao gồm:

• Chuẩn bị sẵn sàng về quản lý nhà nước: các yêu cầu pháp lý đối với việc nhập khẩu vắc-xin, sự cấp phép theo quy định để sử dụng vắc-xin và các thủ tục để xúc tiến sự sẵn có của vắc-xin

• Lập kế hoạch và điều phối: cơ cấu quản trị và quản lý ở cả cấp quốc gia (như ủy ban điều phối quốc gia và các nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia) và các cấp địa phương để giám sát việc triển khai, thực hiện và giám sát tiêm vắc-xin COVID-19.

• Chi phí và kinh phí: ngân sách thực tế – bao gồm các nguồn tài trợ và khoản ngân sách – để triển khai vắc-xin và tiêm chủng.

• Dân số mục tiêu và chiến lược tiêm chủng: thứ tự ưu tiên cho các nhóm dân cư khác nhau được tiêm chủng và cách thức từng nhóm sẽ được tiêm chủng.

• Quản lý chuỗi cung ứng và chất thải y tế: các hoạt động quan trọng của chuỗi cung ứng để chuẩn bị cho việc triển khai vắc-xin (chẳng hạn như đánh giá chuỗi lạnh và phân phối an toàn và hậu cần) và đảm bảo xử lý an toàn chất thải y tế.

• Quản lý và đào tạo nguồn nhân lực: yêu cầu của nhân viên để triển khai tiêm vắc-xin, kế hoạch đào tạo và giám sát.

• Nhu cầu và chấp nhận tiêm vắc-xin: phương pháp tích hợp để đạt được mức tiêm vắc-xin COVID-19 cao, bao gồm các hoạt động truyền thông chiến lược thúc đẩy tiêm chủng, quản lý thông tin sai lệch và thông tin về những rủi ro trong trường hợp có tác dụng phụ.

• An toàn tiêm vắc-xin: các bước chuẩn bị, giám sát và giải quyết vấn đề an toàn vắc-xin và các tác dụng phụ có thể xảy ra và đảm bảo an toàn khi tiêm.

• Hệ thống theo dõi tiêm chủng: chiến lược thu thập và báo cáo dữ liệu tiêm chủng, giám sát dịch bệnh để theo dõi tác động của vắc-xin và đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện.

NDVP cần được xây dựng từ tham vấn của Bộ Y tế và hỗ trợ của các tổ chức như WHO, UNICEF và các đối tác liên quan. Nhóm công tác Sẵn sàng và triển khai quốc gia (CRD) của Chương trình hợp tác Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT Accelerator) đã ban hành hướng dẫn về việc xây dựng Kế hoạch quốc gia về triển khai và tiêm chủng vắc xin COVID-19, giúp các quốc gia chuẩn bị phổ biến sử dụng vắc xin COVID-19.

Tại sao các quốc gia phải xây dựng Kế hoạch triển khai và tiêm chủng quốc gia?

Việc xây dựng NDVP giúp các quốc gia chuẩn bị cho việc tiêm chủng COVID-19, xác định nhu cầu nguồn lực và hợp lý hóa quy trình phổ biến vắc-xin. Một khi NDVP được xây dựng, các quốc gia sẽ bắt tay vào thực hiện lập kế hoạch chi tiết các chiến lược phân phối vắc-xin, hậu cần, nhân sự và huy động tài trợ.

Mức độ sẵn sàng của quốc gia sẽ được đánh giá như thế nào?

Quy trình xem xét đã được thiết lập để hỗ trợ, phản hồi cho các quốc gia cải thiện và hoàn thiện kế hoạch. Quy trình này đảm bảo rằng NDVP bao gồm các yếu tố cần thiết để nhanh chóng triển khai và thực hiện tiêm chủng vắc-xin COVID-19, và mọi khuyến nghị để cải thiện đều được đề cập.

Khi thành viên AMC-92 đệ trình NDVP của mình, Ủy ban đánh giá khu vực (RRC) sẽ đánh giá kế hoạch và đánh giá khả năng chuẩn bị sẵn sàng và năng lực phân bổ của quốc gia, triển khai và quản lý vắc-xin . Những thành viên có NDVP đáp ứng được tiêu chuẩn đánh giá mức độ sẵn sàng sẽ tham gia quy trình phân bổ vắc-xin COVID-19 từ Cơ chế COVAX. Các quốc gia nên xem xét các khuyến nghị từ cuộc đánh giá để nâng cao hơn nữa khả năng sẵn sàng cho việc đưa vắc-xin vào sử dụng.

Nguồn: WHO’ s Vaccines Explained series

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *