THÔNG TIN VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA

a) Thông tin chung về nhiệm vụ:

– Tên đề tài: Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ khai thác, bảo tồn và phát triển một số chế phẩm từ một vài loài nấm Linh chi (Gannoderma spp.) tại khu vực Tây Nguyên.

– Mã số: TN18/C10

– Kinh phí: 8.850,00 triệu đồng

– Thời gian thực hiện: từ tháng 07/2018 đến tháng 03/2021

– Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh.

– Chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện chính:

b) Thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức đánh giá, nghiệm thu:

 – Địa điểm: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

– Thời gian: Từ ngày 22/03/2021 – 26/03/2021

 c) Nội dung báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Về những đóng góp mới của nhiệm vụ:

– Đề tài đã thu được mẫu ở 8 vùng Gia Lai, Đắk Lắk , Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai với tỉ lệ thu mẫu đạt 100% – 140% theo kế hoạch đặt ra. Mẫu thu thập về được phân loại và đánh số thứ tự, bảo quản ở điều kiện phù hợp. Đồng thời đã tiến hành khảo sát 400 phiếu điều tra ở 8 địa phương tiến hành thu mẫu và 1 số vùng lân cận. Qua khảo sát, các thông tin có độ lặp không cao, tùy thuộc vào từng địa phương, từng nội dung khảo sát, Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp thông tin theo 4 nhóm chính như: Đặc điểm của nấm Linh chi, điểm khác biệt với nấm rừng khác; về vấn đề khai thác linh chi; về giá cả và nguồn gốc Linh chi; về chất lượng và tác dụng Linh chi.

– Đề tài đã định danh được 43 mẫu nấm thuộc họ Ganodermataceae trong đó có 11 loài thuộc chi Amauroderma và 32 loài thuộc chi Ganoderma từ hơn 1000 mẫu thu thập được. Đồng thời xây dựng bộ dữ liệu về thông tin sinh thái, hình thái học, bộ ảnh màu của 43 loài nấm Linh chi trên.Từ 43 loài định danh, nhóm nghiên cứu khảo sát trên 10 loài được công bố có tác dụng sinh học tốt để tiến hành khảo sát thành phần hóa học, dấu vân tay sắc ký lớp mỏng, sắc ký lỏng và tiến hành đánh gía tác dụng sinh học trên tác dụng bảo vệ gan, hạ đường huyết, hạ lipid huyết và hỗ trợ tăng miễn dịch. Trong đó, các loài Linh Chi mẫu Ganoderma applanatum, Ganoderma croflavum, Ganoderma lucidum, Ganoderma tornatum, Ganoderma sp3 và Ganoderma sp6 có hoạt tính trung bình mạnh trong ức chế enzym α-glucosidase in vitro và hoạt tính ức chế enzym α-glucosidase in vitro.Trong khi đó tác động lên sự tiết insulin nội sinh thì Ganoderma applanatum có tác dụng vượt trội. Về tác dụng điều hòa miễn dịch thì mẫu Ganoderma lucidum thể hiện tác động kích thích miễn dịch trên mô hình chuột nhắt gây suy miễn dịch bằng cách tiêm phúc mạc liều duy nhất cyclophosphamid 150 mg/kg và tăng tỷ lệ tế bào sống khoảng 30% ở nồng độ 200 µg/ml khi khảo sát tác động trên tế bào máu ngoại vi. Qua tác dụng sinh học có thể bảo tồn và nhân giống một số loài như Ganoderma applanatum, Ganoderma lucidum. Đây là những gen quý có thể đem lại giá trị về mặt y học và kinh tế trong tương lai ở vùng Tây Nguyên.

– Đề tài đã thực hiện được mô hình bảo tồn với diện tích 60.000 m2 ở khu vực Buôn Ea-Ma, xã Krông-Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk với mô hình dưới tán rừng, có kiểm soát độ ẩm để kích thích sự phát triển của nấm Linh chi.

– Đề tài đã xây dựng quy trình trồng Linh chi giàu polysaccharid và Linh chi giàu triterpenoid. Điểm nổi bật của đề tài là có thể kiểm soát được hàm lượng hai nhóm hoạt chất chính trong loài nấm Linh chi đỏ (Ganoderma lucidum) từ đó giúp chủ động trong việc lựa chọn giống nuôi trồng theo mục đích điều trị y học. Đồng thời đã đăng ký và đạt chứng chỉ Viet-Gap cho vùng nuôi trồng tại Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Về hiệu quả của nhiệm vụ:

+ Hiệu quả kinh tế

– Tây Nguyên là nguồn nấm Linh chi phong phú, nhưng công tác khai thác, bảo tồn còn chưa được chú trọng. Chưa có nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguồn Linh chi bản địa để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đề tài TN18/C10, với mục tiêu nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm từ nguồn Linh chi bản địa gồm: 3 sản phẩm rượu theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là Bảo Linh, Tứ Linh và rượu Linh chi. 01 sản phẩm trà Linh Chi, 01 viên nang mềm và 03 sản phẩm cao Linh chi gồm: cao toàn phần, cao giàu triterpenoid và cao giàu polysachharid. Đây là những sản phẩm làm tăng giá trị kinh tế cho nấm Linh chi, giúp ổn định đầu ra cho nấm dược liệu Linh chi.

– Mô hình nuôi trồng nấm Linh chi có thể kiểm soát được hàm lượng hai nhóm hoạt chất chính, giúp nâng cao giá trị của nấm Linh chi hơn các mô hình trồng nông nghiệp trước đây. Đồng thời việc sử dụng như loại dược liệu đã giúp khẳng định giá trị của nấm Linh chi.

+ Hiệu quả xã hội

– Đời sống nhân dân vùng Tây Nguyên đã được cải thiện nhiều song còn gặp nhiều khó khăn do ở vùng xa xôi, trình độ dân trí còn hạn chế, điều kiện chăm sóc y tế chưa thực sự đầy đủ. Việc tạo ra các bán thành phẩm là các cao định chuẩn tiến tới bào chế thành các dạng thuốc viên, rượu dược liệu hứa hẹn cung cấp nhiều chế phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hơn nữa cho đồng bào Tây Nguyên.

– Đề tài tiến hành ký kết chuyển giao công nghệ nuôi trồng với 2 đơn vị ở Tây Nguyên và 1 đơn ở vị ở Đông Nam Bộ và tiến hành chuyển giao sản phẩm cho 3 đơn vị gồm 1 đơn vị truyền thông, 2 đơn vị sản xuất kinh doanh dược phẩm. Đồng thời tiến hành đào tạo hơn 30 lượt cán bộ về công nghệ nhân giống, giữ giống, nuôi trồng và thu hái bảo quản Linh chi. Đây là những nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế nuôi trồng Linh chi bền vững tại Tây Nguyên và Đắk Lắk
– Đã tiến hành đăng ký 3 sản phẩm thực phẩm, 01 sản phẩm thực phẩm chức năng, đánh giá Viet-Gap cho 1 mô hình nuôi trồng và tiến hành bảo hộ thương hiệu cho rượu Bảo Linh, rượu Tứ Linh; thương hiệu Linh chi đất việt đưa sản phẩm nấm Linh chi Tây Nguyên trở thành sản phẩm đặc trưng cho Đắk lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Các sản phẩm và mô hình được quảng bá trên kênh HTV7, HTV9 và chương trình Chất Việt trên Đài truyền hình Việt Nam giúp lan tỏa Linh chi Tây Nguyên đến với cả nước và quốc tế.

Xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ: Đạt – xếp loại Xuất sắc
 

– Đề tài thực hiện đúng tiến độ đề ra
 

– Các sản phẩm Dạng I và Dạng II của đề tài đảm bảo đầy đủ về số lượng, khối lượng, chất lượng (các chỉ tiêu KT-KT) đạt được so với đăng ký trong hợp đồng. Đặc biệt đề tài có sản phẩm Dạng III (bài báo khoa học) vượt số lượng so với đăng ký (4/2 bài báo trong nước và 2/2 bài báo quốc tế).
 

– Đề tài đã xây dựng được mô hình bảo tồn nấm Linh chi theo điều kiện bán tự nhiên với việc nhân giống, cấy giống, ươm sợi đến kiểm soát môi trường nuôi trồng về độ ẩm, ánh sáng dưới tán gần giống môi trường tự nhiên.
 

– Đã xây dựng thành công 7 quy trình bào chế các sản phẩm từ nguồn dược liệu bản địa. Đây là các sản phẩm có giá trị trong chăm sóc sức khỏe cũng như góp phần xóa đói, giảm nghèo cho khu vực. Sản phẩm đã được chuyển giao cho công ty của địa phương để sản xuất và đưa ra thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *